BINH PHÁP LỤC THAO (quyển KHUYỂN THAO) – KHƯƠNG TỬ NHA

 Lục Thao  hay Lược Thao (六韬) hay Thái công Lục Thao (太公六韬), Thái công binh pháp (太公兵法) là một tác phẩm binh pháp đưa ra những lý luận có hệ thống về mưu lược dùng binh trong chiến tranh, tương truyền do Khương Tử Nha đầu đời nhà Chu sáng tác. Tuy nhiên hiện nay đa số ý kiến cho rằng Lục Thao chỉ là do người đời Chiến Quốc ghi chép lại những tư tưởng của Khương Tử Nha mà làm thành.

Phiên bản Lục Thao cổ nhất được tìm thấy là trong bộ “Thẻ tre Ngân Tước sơn” do các nhà khảo cổ Trung Quốc khai quật được năm 1972

Năm 1935 Trung Hoa học nghệ xã đã dựa theo bản in thời Tống để cho xuất bản lại bộ VŨ KNH THẤT THƯ trong đó có Lục Thao.
SƠ LƯỢC VỀ TÁC GIẢ: KHƯƠNG TỬ NHA

Ảnh: Hình minh họa Khương Tử Nha câu cá trên sông Vị.

Khương Tử Nha (姜仔呀), tên thật Khương Thượng (姜尚), tự là Tử Nha (子牙)và còn có tên khác là Lã Vọng, là khai quốc công thần nhà Chu thế kỷ 12 trước Công nguyên và là vua khai lập nước Tề tồn tại từ thời Tây Chu đến thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc

Khương Tử Nha tuổi già thường đi câu cá ở sông Vị, tình cờ được Cơ Xương (Văn Vương – vị vua đầu tiên của nhà Chu) ngưỡng mộ tài năng sau cuộc gặp gỡ trong một chiến đi săn và đón về cung, tôn làm thầy. Khương Thượng giúp Cơ Xương chấn chỉnh nội trị và xây dựng lực lượng nước Chu để mưu đánh đổ nhà Thương tàn bạo mất lòng dân.

Khương Tử Nha tiếp tục phò Cơ Phát ( Vũ Vương – 1226 Trước Công Nguyên) đánh bại Trụ Vương (nhà Thương) và được phong làm vua Tề (Tề Thái Công) ở đất Doanh Châu

Quyển KHUYỄN THAO

Thiên thứ nhất: PHÂN BINH
Võ Vương hỏi Thái Công: “Các vua cầm ba quân đóng ở nhiều nơi, nếu muốn tập hợp quân lại để tuyên thệ và thưởng phạt thì phải làm cách nào?”
Thái Công đáp rằng: “Thường phép dùng binh trong ba quân thì: Đại tướng phải địch trước chiến địa và ngày giao chiến rồi mới chuyển hịch thư đến các tướng lĩnh hẹn thời hạn đánh thành vây ấp. Thông báo cho các nơi biết rõ ngày đánh trận, ấn định thời giờ cụ thể. Sau đó, đại tướng cho lệnh đóng doanh trại, quét dọn sạch sẽ rồi đứng trước viên môn chờ đợi các tướng lĩnh đến để theo dõi việc thực hiện giờ giấc của họ. Người đến trước giờ đã định thì khen thưởng, kẻ đến sau giờ ấn định thì xử chém. Như thế ba quân ở gần, xa đều khẩn trương đến dự, cùng nhau sống mái với quân thù”.

Thiên thứ hai: VŨ PHONG
Võ Vương hỏi Thái Công: “Phàm việc dùng binh, điều cốt yếu là phải có vũ xa, kiêu kị, tuyển chọn từng trận mà đánh, thấy có thể đánh được thì đánh. Vậy thế nào là có thể đánh được?”.
Thái Công đáp: “Phàm muốn đánh thì nên xem xét rõ ràng 14 biến động của địch. Thấy rõ được việc biến thì đánh ngay, như thế địch sẽ thất bại”.
Võ Vương nói: “Có thể cho nghe 14 biến động đó chăng?”
Thái Công đáp:
“1) Mới tụ tập thì có thể đánh
 2) Người và ngựa chưa ăn thì có thể đánh
 3) Thiên thời bất thuận thì có thể đánh
 4) Chưa nắm vững địa hình thì có thể đánh
 5) Bỏ chạy thì có thể đánh
 6) Không phòng bị thì có thể đánh
 7) Mỏi mệt thì có thể đánh
 8)Tướng lìa xa sĩ tốt thì có thể đánh
 9) Vừa vượt qua đoạn đường dài thì có thể đánh
10) Đang vượt sông thì có thể đánh
11) Đang bối rối thì có thể đánh
12) Đang đi trên đường hẹp có thể đánh, ngăn trở khó khăn thì có thể đánh
13) Đang rối loạn thì có thể đánh
14) Lòng dạ hoang mang thì có thể đánh”.

Thiên thứ ba: LUYỆN SĨ
Võ Vương hỏi Thái Công: “Huấn luyện quân lính như thế nào?”.
Thái Công đáp: “Trong quân ngũ có hạng người dũng cảm, mạnh khoẻ không sợ chết và vui vẻ khi bị thương, xếp hạng người này vào một tốt gọi là lính dám chém giết.
Có hạng người nhuệ khí cường tráng, dũng mãnh, xông xáo, xếp hạng người này thành một tốt gọi là lính phá trận.
Có hạng người múa kiếm dài tuyệt vời, sử dụng kiếm như múa, xếp hạng người này vào một tốt, gọi là lính anh dũng tinh nhuệ.
Có hạng người sức lực to lớn, bền bỉ chống cự địch liên tục, có sức mạnh phá vỡ chuông trống, huỷ diệt cờ xí địch, xếp hạng người này thành một tốt, gọi là lĩnh dũng mãnh.
Có hạng người vượt nổi chỗ cao, chạy được đường xa, nhẹ chân chạy giỏi, xếp hạng người này thành một tốt, gọi là lính nhanh như cướp.
Có hạng người khi vương thần thất thế, quyết khôi phục để lập công, khôi phục giang sơn, xếp hạng người này lại một tốt, gọi là lính quyết chiến đấu đến cùng.
Có hạng người là con em của các vị tướng tử trận, nên quyết trả thù cho vị tướng đó, xếp hạng người này lại một tốt, gọi là lính cảm tử.
Có hạng người chỉ sống nương tựa và bị đày đoạ bởi kẻ khác, nên muốn nhập ngũ để nêu cao thanh danh, hạng người này xếp thành một tốt, gọi là lính khích lệ.
Có hạng người bần cùng quẫn bách, nên phẫn nộ nguyện gia nhập quân ngũ để toại lòng hả dạ, xếp hạng người này thành một tốt, gọi là lính bất tử.
Có hạng người phạm tội, nhưng đã hết hạn, giờ gia nhập quân ngũ để rửa sạch nỗi nhục, xếp hạng người này thành một tốt, gọi là lĩnh may mắn được tuyển dụng.
Có hạng người có tài nghệ hơn người, có khả năng gánh vác đồ đạc nặng nề đi xa, hợp hạng người này thành một tốt , gọi là lính sẵn sang chờ lệnh.
Sự sắp xếp và tập luyện các hạng quân này không thể không xét kĩ”.

Thiên thứ bốn: GIÁO CHIẾN
Võ Vương hỏi Thái Công: “Hợp đông đủ ba quân, nếu muốn sĩ tốt thao luyện về đạo giáo chiến thì phải làm thế nào?”.
Thái Công đáp: “Phàm thống lĩnh ba quân có hiệu lệnh của trống chiêng khiến quân sĩ chỉnh tề. Vị tướng phải nói cho quân sĩ quán triệt ba điều lệnh về thao diễn ,ăn ở và phép biến đổi của cờ xí. Phương pháp dạy chiến đấu là: Một người học đánh thành thạo thì dạy cho mười người, mười người học thành thạo rồi dạy cho trăm người, trăm người học nên thì dạy cho ngàn người. Vạn người nên thì dạy cho ba quân. Phép đại chiến khi học thành thạo thì tập hợp thành triệu người, nên có thể trở thành đại binh lập uy trong thiên hạ”.
Võ Vương nói: “Thực là hay vậy”

Thiên thứ năm: QUÂN BINH
Võ Vương hỏi Thái Công: “Lấy xe đánh với quân bộ thì một xe đương đầu nổi với mấy quân bộ, mấy quân bộ đương đầu nổi với một xe, lấy quân kị đánh với xe, thì một xe đương đầu với mấy kị, mấy kị đương đầu nổi với một xe?”
Thái Công đáp rằng: “Xe là vây cánh của quân. Xe dùng để đánh phá những trận địa kiên cố của địch và dùng làm phương tiện lúc thua chạy. Kị dùng để dò xét tình hình, xếp viện cho quân bại trận, cắt đứt đường tải lương của quân giặc. Cho nên nếu xe và kị chưa giao chiến với địch thì một xe không thể đương đầu đươc với một quân bộ. Tuy nhiên nếu quân đông lập thành trận địa thì ở vị thế dễ dàng một xe sẽ đánh được 80 quân bộ, 80quân bộ sẽ đánh được một xe. Một kị sẽ đánh được 8 quân bộ, 8 quân bộ đánh được một kị. Một xe đánh được 10 kị, 10 kị đánh được một xe. Nếu ở địa thế hiểm trở, thì một xe địch được 40 quân bộ, 40 quân bộ địch được một xe. Một kị địch được 4 quân bộ, 4 quân bộ địch được một kị. Một xe địch được 6 kị, 6 kị địch được một xe. Xe và kị là binh khí mạnh trong quân đội. 10 xe có thể đánh bại ngàn người, trăm xe đánh bại vạn người, 10 kị đánh bại trăm người, trăm kị đánh bại ngàn người. Đó là con số rât lớn”.
Võ Vương hỏi: “Số lượng sĩ quan chỉ huy xe, kị và cách bày trận phải như thế nào?”
Thái Công nói: “Số sĩ quan chỉ huy xe thì cử 5 xe đặt một trưởng trông coi, 10 xe đặt 1 lại, 50 xe đặt một suất, 100 xe đặt một Tướng. Cách đánh bằng xe nơi thế đất dễ dàng thì cứ 5 xe xếp thành một hang ngang, dài 40 bộ. khoảng cách giữa hai xe là 10 bộ, khoảng cách hai đội là 60 bộ. Đánh ở địa thế hiểm trở thì xe phải di chuyển theo đường xa. Cứ 10 xe lập thành 1 tụ, 20 xe lập thành một đôn, trước sau cách xa 20 bộ, hai bên tả hữu cách nhau 20 bộ. khoảng cách hai đội là 36 bộ, cứ 5 xe đặt một Tướng trông coi, ngang dọc cách nhau 2 dặm, khi di chuyển cần giữ nguyên vị trí. Về số lượng sĩ quan trông coi kị thì 5 kị đặt một trưởng, 10 kị đặt một lại, trăm kị đặt một suất, 200 kị đặt một Tướng trông coi. Cách đánh ở thế đất dễ dàng thì 5 kị xếp thành một hàng trước sau cách khoảng 10 bộ, tả hữu cách 2 bộ, khoảng cách 2 đội 2 bộ, 30 kị lập thành một đồn, 60 kị lập thành một bối, 10 kị đặt một lại trông coi, ngang dọc cũng cách xa 100 bộ, khi di chuyển đều phải giữ nguyên vị trí”.
Võ Vương nói: Thật là hay vậy”.

Thiên thứ sáu: VÕ XA SĨ
Võ Vương hỏi Thái Công: “Việc tuyển xa sĩ phải làm sao?”
Thái Công đáp: “Phép tuyển xa sĩ thì nên chọn người dưới 40 tuổi trở xuống, cao từ thước rưỡi trở lên, chạy nhanh có thể đuổi kịp loài ngựa, đồng thời có thể di chuyển nhanh chóng tới trước, sau, phải, trái, trên cao, dưới thấp và xoay vòng hay quấn được cờ xí trong người, có thể giương nổi loại nỏ nặng 8 thạch bắn tới trước, sau, trái, phải, mọi mặt đều tiện cho việc thực hành, được gọi là “lĩnh võ xa”. Hạng người này không thể không hậu đãi”.

Thiên thứ bảy: VÕ KỊ SĨ
Võ Vương hỏi Thái Công: “Việc tuyển kị sĩ phải làm như thế nào?”.
Thái Công đáp: “Cách tuyển kị sĩ là chọn người dưới 40 tuổi cao từ 7 thước 50 trở lên, than thể tráng kiện, nhanh nhẹn hơn người. Có khả năng cưỡi ngựa bắn nỏ đi các mặt tiền, hậu, tả, hữu và xoay vòng, tiến thoái vượt qua hào rạch: leo trèo đồi núi, mạo hiểm xông vào vùng hiểm trở, ngăn được đầm rạch lớn, điều khiển được kẻ địch mạnh, nhiễu loạn được đám đông. Loại người này được gọi là “kị sĩ” không thể không hậu đãi”.

Thiên thứ tám: CHIẾN XA
Võ Vương hỏi Thái Công: “Phép đánh bằng chiến xa như thế nào?”
Thái Công đáp: “Quân bộ phải biết trước biến động, xe phải biết trước địa hình, kị phải biết trước đường xa lạ. Phàm tử địa của xe thì có mười và thắng địa của xe chỉ có tám mà thôi”.
Võ Vương hỏi: “Mười điều tử địa là gì?”
Thái Công đáp: 
“1) Đi được mà không về được là tử địa của xe
 2) Vượt được đất hiểm trở, lấn được địch mà đi xa là kiệt địa của xe.
 3) Tiến dễ dàng, sau hiểm trở là khốn địa của xe.
 4) Bị rơi vào vùng hiểm trở khó mà thoát ra ngoài là tuyệt địa của xe.
 5) Lúc xe lọt vào đầm trạch, bùn đất dính đầy xe là lao địa của xe. 
 6) Bên trái hiểm trở, bên phải dễ dàng, phía trên có gò đống mà xe phải leo dốc là nghịch địa của xe.
 7) Lúc xe đi qua bãi ruộng cỏ mênh mông, phải vượt qua các đầm, ao sâu kín là thất địa của xe.
 8) Xe ít đường di chuyển dễ dàng lại không đương đầu nổi với quân bộ là bại địa của xe.
 9) Phía sau có hào lạch, bên trái có sông sâu, bên phải có đồi núi cao là hoại địa của xe
10) Xe di chuyển gặp lúc mưa dầm dề ngày đêm, mà luôn phải di chuyển, đường sá ngập lụt, vỡ lở, đằng trước không thể tiến, đằng sau không giải toả được, đó là hảm địa của xe.
Mười điều trên là tử địa của xe. Nếu tướng vụng về thường bị bắt, tướng sáng suốt sẽ tránh khỏi”.
Võ Vương hỏi: “Tám điều thắng của xe thì thế nào?”
Thái Công đáp:
“1) Phía trước phía sau trận địa địch chưa ổn định thì phải tiến công ngay.
 2) Cờ xí rối loạn, người và ngựa xáo trộn thì tiến công ngay
 3) Sĩ tốt chạy tán loạn, ở cả phía trước, sau, phải, trái thì phải tiến công ngay.
 4) Trận địa không kiên cố, sĩ tốt hai mặt trước sau dựa dẫm lẫn nhau thì tiến công ngay.
 5) Quân địch đi đến đằng trước thì ngờ vực, đến đằng sau thì hoảng hốt thì tiến công ngay.
 6) Ba quân sợ hãi, buộc lòng nổi dậy một cách bất đắc dĩ thì tiến công ngay 
 7) Đánh ở địa thế dễ dàng mà trời tối, không giải vây được thì tiến công ngay.
 8) Quân di chuyển đường xa, nên về muộn, trời tối mới cắm trại, quân lính hoang mang thì tiến công ngay.
Tám điều trên là đất thắng của xe. Vị tướng thông suốt mười điều hại, tám điều thắng thì dù địch có dùng hàng ngàn xe, hàng vạn kị bao vây tiến công thì trong vạn trận đánh, vị tướng đó cũng sẽ chiến thắng”.
Võ Vương nói: “Thật là hay vậy”.

Thiên thứ chín: THIÊN KỴ
Võ Vương hỏi Thái Công: “Phép đánh bằng chiến kị như thế nào?”.
Thái Công đáp: “Đánh bằng chiến kị thì có mười lúc thắng, chin lúc bại”.
Võ Vương hỏi: “Mười lúc thắng ra sao?”
Thái Công đáp: 
“1) Lúc địch mới đến, thế trận chưa định hẵn, hai cánh quân tiền và hậu chưa hỗ trợ nhau được, ta đánh phá các chiến kị phía trước, đồng thời đánh hãm hai mặt tả hữu thì địch sẽ chạy ngay.
 2) Lúc địch dàn trận đã chỉnh tề, kiên cố, sĩ tốt quyết đấu đến cùng, thì quân kị của ta phải sát cánh bên nhau, hoặc đuổi đi, hoặc đuổi lại, hành động nhanh như gió, mạnh như sấm sét, ngày cũng như đêm, thay cờ xí đổi y phục thì quân ta ắt sẽ thắng.
 3) Lúc địch bố trí trận địa chưa kiên cố, sĩ tốt chưa muốn đánh thì ta lấn hai mặt tiền, hậu của chúng, đón hai mặt tả hữu mà đánh, địch sẽ hoảng sợ.
4) Lúc chiều về quân địch muốn về nghỉ ngơi, quân lính hoang mang, ta kẹp sát hai bên hông của chúng tiến đánh nhanh mặt sau, lấn chiếm cửa thành luỹ khiến địch không có lối vào, địch ắt sẽ bại ngay.
 5) Lúc địch không có địa thế hiểm trở để phòng thủ kiên cố thì quân ta xâm nhập đuổi đánh chúng, cắt đứt đường tiếp tế lương thực thì quân địch sẽ bị đói.
 6) Lúc ta đóng ở vị thế bằng phẳng dễ dàng, bốn mặt trông thấy địch, ta dùng xa kị để đánh phá, địch sẽ rối loạn ngay.
 7) Lúc địch tháo chạy, sĩ tốt tán loạn, ta xuất binh và đánh kẹp hai bên hông chúng, hoặc chặn hai mặt tiền hậu, thì sẽ bắt được tướng địch.
 8) Lúc chiều xế địch trở về, quân chúng đông nên rối loạn, ra lệnh cho 10 kị của ta lập thành đội, trăm kị hợp thành đồn, 5 xe lập thành một tụ, 10 xe hợp thành một quần, cắm cờ xí nhiều nơi, hoặc cắt đứt liên lạc giữa hai mặt tiền, hậu của chúng thì sẽ bắt sống được tướng địch.
Đó là mười lúc thắng của quân kỵ”.
Võ Vương hỏi: “Chín điều bại như thế nào?”
Thái Công đáp: 
“1) Phàm đánh phá địch bằng quân kị mà không thể phá trận, địch sẽ vờ thua chạy rồi dùng xa kị phản kích mặt sau của ta. Đó là bại địa của quân kị.
 2) Lúc đuổi theo quân địch qua vùng hiểm trở, truy kích liên tục. Địch sẽ phục ở hai bên hông ta, đồng thời cắt đứt mặt sau của ta. Đó là vi địa của quân kị.
 3) Lúc có đường đi mà không lối về, không có ngõ ra, gọi là bị vây hãm vào gầm trời, dồn vào tử huyệt. Đó là tử địa của quân kị.
 4) Lối vào thì hẹp, lối ra thì xa, địch yếu cũng có thể đánh được ta mạnh, địch ít cũng có thể đánh được ta đông. Đó là mạt địa của quân kị.
 6) Hai bên tả hữu có nước, mặt trước gò lớn, mặt sau núi cao, khi đánh nhau với địch quân ta ở giữa hai dòng nước, địch ở bên ngoài và trong. Đó là gian địa của quân địch.
 7) Địch cắt đường tải lương của ta, đi mà không về được. Đó là khốn địa của quân kị.
 8) Khi tiến vào nơi nước đục, đầm ao, tiến thoái lưỡng nan. Đó là hoạn địa của quân kị.
 9) Bên tả có mương sâu, bên hữu có đồi núi cao thấp đều như bình địa, tiến thoái đều làm mồi cho địch. Đó là hãm địa của quân kị.
Chín điều trên là tử địa của quân kị, tướng sáng suốt thì có thể thoát khỏi. Tướng u muội thì sẽ bị thảm hại vậy”.

Thiên thứ mười: CHIẾN BỘ
Võ Vương hỏi Thái Công: “Nguyên tắc đánh nhau giữa bộ binh và xa kị như thế nào?”.
Thái Công đáp: Nếu bộ binh và xa kị đánh nhau thì bộ binh phải dựa vào gò đống hiểm trở, dùng binh khí dài, cung nỏ mạnh đi trước, binh khí ngắn, cung nỏ yếu đi sau, lúc tiến lúc dừng. Xa kị của địch tuy đông, nhưng khi đến đã gặp trận tuyến kiên cố và đánh nhanh ở phía sau có quân tài giỏi và cung nỏ mạnh sẵn sang chống trả”.
Võ Vương hỏi: “Ta không có gò đống, cũng không có địa thế hiểm trở, khi địch kéo nhiều quân đến, xa kị đánh kẹp hai bên hông ta, đón đánh hai mặt tiền và hậu của ta, quân ta khiếp sợ, thua chạy tán loạn thì phải làm sao?”.
Thái Công đáp rằng: “Ra lệnh cho sĩ tốt ta đóng hàng rào gỗ, chông gai, đặt đội trâu ngựa đánh xông trận bốn mặt. Khi thấy xa kị địch sắp đến thì cho quân chôn chông gai, quốc đất thành hố sâu và rộng khoảng 5 thước (gọi là lồng) vòng qua sau, rồi cho người cầm hàng rào gỗ chặn xe địch để làm luỹ. Nếu xe chúng chia làm hai theo mặt trước và mặt sau ta mà lập đồn thì quân tài giỏi và cung nỏ mạnh của ta sẵn sàng trấn thủ hai bên hông, tả và hữu. Sau đó ra lệnh cho quân ta đánh nhanh, đánh liên tục không ngừng”.
Võ Vương nói: “Thật là hay vậy”.

(Xem các quyển còn lại phía dưới): 

Văn Thao (文韬): Dụng nhân – Trị quốc

Võ Thao (武韬): Dụng binh

Long Thao (龙韬): Tuyển tướng

Hổ Thao (虎韬): Quân hình – Khí tài.

Báo Thao (豹韬): Chiến thuật.

Người sưu tầm - Trình bày: Phan Thành Hiếu

 

Tin liên quan
    Copyright © 2024 CỬA HÀNG THỰC PHẨM LÊ VĂN SỸ. All rights reserved. Web design NiNa Co.,Ltd
    Online: 1   |   Tháng: 848  |   Tổng: 96542
    Hotline tư vấn miễn phí: 0909 399 480
    Zalo

    Gạo ST25

    Gạo sóc trăng ST25

    Gạo ST25 ngon nhất thế giới