BINH PHÁP TÔN TỬ (TÔN VŨ) - Phần 2

Cuốn "Binh Pháp Tôn Tử" do Tôn Vũ dâng lên Ngô vương Hạp Lư là cuốn binh pháp hoàn chỉnh, được viết vào năm 512 trước Công nguyên. Theo Sử ký và theo luận bàn về Tôn Tử của Tào Tháo, đều có ghi chép rõ ràng về 13 chương sách của Tôn Vũ.

Binh pháp Tôn Tử là binh thư sớm nhất, vĩ đại nhất thời cổ ở Trung Quốc, mà từ xưa đến nay được xếp hàng đầu trong Vũ Kinh Thất Thư.

Binh pháp Tôn Tử viết trên thẻ tre

Bước vào xã hội hiện đại, nhiều nước tư bản phát triển không hẹn mà cùng có ý tưởng vận dụng Binh pháp Tôn Tử để cải thiện vấn đề quản lý kinh doanh của doanh nghiệp, giữa thế kỷ 20 tại Nhật Bản thậm chí còn hình thành một học phái kinh doanh bằng binh pháp, với sức ảnh hưởng lan toả khắp thế giới, hình thành cơn sốt nghiên cứu Binh pháp Tôn Tử trong lĩnh vực kinh tế. Nhiều công ty lớn thậm chí còn trực tiếp sử dụng Binh pháp Tôn Tử làm giáo trình huấn luyện dành cho các nhân viên quản lý bậc trung trở lên.

TÔN VŨ (VÀI NÉT SƠ LƯỢC)

–  Tôn Vũ  (孙武) tên chữ Trưởng Khanh, người Lạc An nước Tề (nay là Huệ Dân – Sơn Đông – Trung  Quốc), ở cuối thời Xuân Thu, năm sinh năm mất đều không xác định được, nhờ cuốn binh thư của mình mà được tôn là “Tử” (thầy), lại bởi Tôn Vũ hoạt động chủ yếu ở nước Ngô, nên được gọi là Ngô Tôn Tử để phân biệt với Tôn Tẫn (Tề Tôn Tử là người nước Tề ở thời Chiến Quốc).

– Tôn Vũ kết thành mối quan hệ gắn bó với Ngũ Tử Tư là trọng thần của nước Ngô, cùng phò tá vua Hạp Lư (phụ thân vua Ngô Phù Sai – người bị Câu Tiễn đánh bại sau này).

– Tôn Vũ dâng 13 thiên binh pháp lên Ngô vương là Hạp Lư, được Ngô vương rất tán thưởng rồi phong làm quân sư. Tôn Vũ sau đó cùng với Ngũ Tử Tư trợ giúp Ngô vương cải cách chính sự, tăng cường quốc lực. Giới nghiên cứu lịch sử cổ đại Trung Quốc khi đã nghiên cứu, đối chiếu, tổng hợp, so sánh từ các sử liệu đã đưa ra kết luận: Trong sự nghiệp làm tướng của mình, Tôn Vũ trực tiếp chỉ huy năm trận đánh và chính năm trận chiến “để đời” này đã góp phần đưa tên tuổi, uy danh và tài thao lược quân sự của ông lừng lẫy khắp thiên hạ, lưu danh sử sách.

Trận thứ nhất: Diệt hai nước chư hầu của Sở (nước Chung Ly và nước Từ) vào khoảng tháng 12 năm 512 trước Công nguyên. 

Trận thứ 2: Chiếm hai xứ Lục, Tiềm (thuộc nước Sở), vào khoảng năm 511 trước Công nguyên. 

Trận thứ 3: Phá 16 vạn quân nước Việt (Đại chiến Huề – Lý), khoảng năm 509 trước Công nguyên. 

Trận thứ 4: Đánh bại quân nước Sở lần thứ ba, khoảng năm 509 trước Công nguyên. 

Trận thứ 5: Đại phá 25 vạn quân Sở (cuộc chiến Bách Cử), khoảng tháng 11 năm 506 trước Công nguyên. 

– Sau khi lập được công lao, Tôn Vũ không muốn làm quan, cố tình về núi làm dân thường, mai danh ẩn tích, cuối cùng không ai biết cuộc đời của ông kết thúc như thế nào, vẫn là một bí ẩn.

BINH PHÁP TÔN TỬ (BỘ VŨ KINH THẤT THƯ): Thiên thứ 8 đến Thiên thứ 13

8. THIÊN THỨ 8: CỬU BIẾN

Tôn Tử viết:  Phàm dụng binh chi pháp, tướng soái nhận lệnh vua, tập hợp quân đội quân nhu (giáo, khí, lương…) khi xuất chinh cần chú ý:

– Ở “phỉ địa”: đất xấu, thì không dựng trại.

– Ở “cù địa”: đất có đường thông suốt, phải kết giao với nước láng giềng.

– Ở “tuyệt địa”: không được nấn ná.

– Ở “vi địa”: đất bị vây, thì phải tính kế.

– Ở “tử địa”: phải liều chết quyết chiến.

– Có những đường không nên đi.

– Có những loại địch không nên đánh.

– Có những thành không nên công.

– Có những vùng không nên giành.

– Có những lệnh vua không nên nghe.

Tướng lĩnh thông minh suy tính tất phải cân nhắc hai phương diện lợi hại:

– Gặp tình hình bất lợi, phải tìm cho được điều lợi mới thành đại sự.

– Gặp tình hình thuận lợi, phải cố thấy rõ những yếu tố bất lợi mới kịp thời giải trừ được tai biến.

– Muốn khuất phục chư hầu, phải đánh vào chỗ nguy hại của họ.

– Muốn điều khiển chư hầu, phải buộc họ làm những việc họ không thể làm được.

– Muốn ép họ vào thế bị động, phải dùng lợi mà dẫn dụ họ.

Nguyên tắc dùng binh:

– Không chờ địch tấn công ta, mà phải tập trung vào việc sắp sẵn kế sách đối phó.

– Không đợi địch tấn công ta, mà phải trông vào thành lũy của ta vững chắc, địch không thể hạ được.

Năm điểm nguy hiểm của người làm tướng:

– Liều chết khinh suất có thể bị giết.

– Tham sống sợ chết có thể bị bắt.

– Nóng giận hồ đồ có thể mắc mưu.

– Liêm khiết tự trọng thì không chịu nhục nhã.

– Thương dân có thể lo buồn bất an.

9. THIÊN THỨ 9:  HÀNH QUÂN.

     Tôn Tử viết:  Khi hành quân và dựng trại ở những dạng địa hình khác nhau, khi phán đoán tình hình quân địch, phải chú ý:

– Ở vùng núi, phải dựa vào vùng sơn cốc có nước và cỏ, hạ trại ở chỗ cao, hướng về ánh sáng. Nếu địch chiếm được chỗ cao thì không đánh lên.

– Khi vượt sông, nên hạ trại ở xa bờ. Nếu địch vượt sông đánh ta, ta không nên giao chiến với địch dưới sông, chờ địch sang sông được phân nửa mới đánh thì được lợi. Nếu muốn quyết chiến với địch nên bày trận sát bờ sông. Hạ trại bên bờ sông cũng phải chiếm ở chỗ cao, đón ánh sáng, không được theo hướng ngược dòng sông tấn công địch. Phần thượng lưu mưa lớn tất nước sông sẽ dâng lên, nhất định không được vượt sông, phải chờ khi nước rút.

– Nếu gặp vùng đầm lầy nước mặn, phải ở gần nơi có nước và cỏ, lưng dựa vào lùm cây.

– Nếu gặp vùng đồng bằng, phải chiếm nơi rộng rãi, bên phải có gò cao, phía trước mặt thấp, phía sau lưng cao.

– Hạ trại nên ở nơi cao ráo tránh ẩm thấp, ở nơi sáng tránh chổ tối tăm, ở nơi gần cỏ và nước có đường vận chuyển quân nhu tiện lợi, tướng sĩ không bị nhiễm bệnh, đó là đảm bảo cho chiến thắng.

– Hành quân ở vùng nhiều gò đống, đê điều, tất phải chiếm phần cao ráo sáng sủa, chủ yếu dựa vào phía bên phải.  Cái lợi của cách dùng binh này là được lợi thế địa hình hổ trợ.

– Hành quân qua những nơi mà hai bên sườn có nhiều chỗ hiểm trở, ao hồ đầm lầy, lau sậy um tùm, cây cối rậm rạp tất phải thận trọng dò xét vì đó là những nơi địch dễ có thể mai phục.

– Năm loại địa hình dưới đây, khi hành quân tất phải gấp rút chuyển đi, không nên đến gần, để địch ở gần nơi đó,  ta nên hướng mặt về phía địa hình ấy mà cho địch xoay lưng vào đó:

+ Thiên giản: là khe núi hiểm trở.

+ Thiên tỉnh: là nơi vách cao vây bọc.

+ Thiên lao: là nơi 3 mặt bị vây, vào dễ ra khó.

+ Thiên hãm: là nơi đất thấp lầy lội khó vận động.

+ Thiên khích: là nơi hẻm núi khe hở.

– Cần chú ý:

+ Địch đã đến gần mà vẫn yên tĩnh là chúng đã chiếm được địa hình hiểm yếu thuận lợi.

+  Địch ở xa mà đến khiêu chiến là chúng muốn dẫn dụ ta tiến lên.

+  Địch đóng quân ở nơi bằng phẳng là đã chiếm được địa hình lợi thế.

+  Cây cối rung động là địch đang lặng lẽ tiến gần.

+  Trong cỏ có nhiều chướng ngại vật là địch cố ý bày nghi trận.

+ Chim xao xác bay lên là bên dưới có phục binh, thú kinh hãi bỏ chạy là địch kéo quân đến đánh úp.

+ Bụi bốc cao mà nhọn là chiến xa địch tới, bui bay thấp mà tản rộng là địch kéo bộ binh đến. Bụi bay tản mác là địch chia quân đi kiếm củi. Bụi bay ít mà lúc có lúc không là địch đang dựng trại.

+ Sứ giả nói năng khiêm nhượng mà địch lại tăng cường là đang chuẩn bị tiến công, sử giả nói cứng lại giả tiến lên là địch đang chuẩn bị rút lui, sứ giả đến tặng quà và nói năng mềm mỏng là địch muốn đình chiến.

+ Chiến xa hạng nhẹ chay ra hai bên sườn là địch đang bày thế trận.

+ Địch chưa thua đã vội cầu hòa là đang có âm mưu, địch gấp bày trận là đã định kỳ hạng tấn công, địch nửa tiến nửa lui là đang muốn dụ ta, quân lính chống binh khí làm thế đứng dựa vào là đang đói bụng, quân địch đi lấy nước mà uống trước mới đem về là địch đang khát nước, địch thấy lợi mà không tiến lên tranh đoạt là đang mệt mỏi.

+ Chim chóc đậu trên doanh trại địch là trại đang bỏ trống.

+ Ban đêm (*) địch hốt hoảng gọi nhau là biểu hiện hoảng sợ.

+ Quân lính trong trại nhiễu loạn là tướng địch không có uy nghiêm, cớ xí ngả nghiên là đội ngũ địch đã rối loạn, quan quân dễ nổi nóng là toàn quân đã mệt mỏi, quân lính thì thầm bàn tán là tướng địch không được lòng quân.

+ Dùng cả lương thực cho ngựa ăn, giết ngựa lấy thịt, thu gọn dụng cụ nấu ăn, lính không về trại là địch đã khốn cùng, liều chết phá vòng vây.

+ Liên tiếp khao thưởng quân sĩ là địch không có biện pháp hành động, liên tiếp trừng phạt hạ cấp là quân địch đang quẫn bách.

+ Thoạt đầu hung hãn, sau lại sợ sệt cấp dưới là tướng địch quá dốt, trí lực kém.

+ Địch giận dữ kéo quân bày trận đối diện với quân ta mà lâu lại không tiến không lui thì ta nên cẩn trọng xem xét vì sợ địch đang có mưu kế.

– Đánh trận không cốt lấy quân đông, không nên khinh địch tiến liều mà phải tập trung lực lượng, phán đoán tình hình, tranh thủ sự tín nhiệm và ủng hộ của hạ cấp là được. Kẻ không biết nhìn xa trông rộng lại khinh địch ắt hẳn bị địch bắt.

– Chưa có ân đức đã vội ra uy trừng phạt thì quân sĩ không phục, quân sĩ không phục thì khó có thể sai khiến được. Đã có ân đức với quân sĩ mà không áp dụng kỷ luật quân pháp thì cũng không thể sai khiến được họ.

– Phải mềm mỏng độ lượng để quân sĩ đồng lòng, dùng quân pháp nghiêm minh để quân sĩ nhất nhất tề chỉnh thì mới có thể khiến quân sĩ kinh sợ và phục tùng. Uy lệnh có nghiêm thì quân sĩ mới quen phục tùng, thời bình mà mệnh lệnh được nghiêm chỉnh chấp hành thì đó là tướng đã phục được lòng quân, trên dưới đều hòa thuận hợp nhất.

10. THIÊN THỨ 10:  ĐỊA HÌNH

     Tôn Tử viết:   Địa hình là điều kiện hỗ trợ cho việc dùng binh. Phán đoán tình hình, giành lấy thắng lợi, khảo sát địa hình lợi hại, tính toán xa gần, đó là phương pháp mà một tướng lĩnh tài giỏi phải nắm vững. Nắm vững phương pháp rồi mới chỉ huy tác chiến thì chắc thắng, không nắm vững phương pháp đã lo chỉ huy tác chiến thì tất bại.

Địa hình gồm có 6 loại:

–  “Thông”:  là nơi ta có thể đi, địch có thể đến. Địa hình này ai chiếm được chỗ cao, đảm bảo đường vận chuyển lương thực thông suốt mà tác chiến thì đắc lợi.

– “Quải”: là nơi tiến đến thì dễ mà lui thì khó. Địa hình này nếu địch không phòng, ta có thể bất ngờ tấn công thì đắc thắng, nếu địch có phòng nhưng ta đem quân đến đánh mà không thắng thì khó có thể rút về, rất bất lợi.

– “Chi”: là nơi ta tiến đến bất lợi, địch tiến đến cũng bất lợi. Địa hình này thì địch dù có đem lợi dụ ta, ta cũng chớ xuất kích, nên giả thua rút đi, dụ địch tiến ra nửa chừng hãy đem quân trở lại công kích thì ta đắc lợi.

– “Ải”: là nơi đất hẹp, ở địa hình này ta nên chiếm trước mà chờ đợi địch đến. Nếu địch chiếm được trước ta và dùng nhiều quân giữ cửa thì ta không nên đánh. Nếu địch không nhiều binh phòng thì ta có thể tiến đánh.

– “Hiểm”: là nơi đất hiểm trở. Ở địa hình này nếu ta chiếm trước địch thì nên đóng quân ở chỗ cao, dễ quan sát để chờ địch tới. Nếu địch chiếm trước thì ta nên lui quân, chớ tiến đánh.

– “Viễn”: là nơi xa rộng. Ở địa hình này tình trạng thế lực đôi bên ngang nhau thì không tiện khiêu chiến, nếu miễn cưỡng đánh thì bất lợi.

Việc binh có 6 tình huống bất lợi:

– “Tẩu”: là địa thế như nhau mà chỉ huy nhu nhược, không quyết đoán.

– “Trì” (*): là binh sĩ hăng hái mà chỉ huy nhu nhược, tất nhiên kém sức chiến đấu.

– “Hãm” (*):

– “Băng”: là chỉ huy nổi giận mà binh sĩ không phục, gặp phục địch cứ tự ý xuất chiến, chủ tướng lại không hiểu năng lực của binh sĩ, ắt sẽ bại như núi lở.

– “Loạn”: là tướng lĩnh nhu nhược, không uy nghiêm, huấn luyện không có bài bản, quan hệ trên dưới không ra hệ thống gì, bày trận lộn xộn, tự mình làm rối quân của mình.

– “Bắc”: là tướng lĩnh không biết phán đoán chính xác tình hình địch, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, tác chiến lại không có lực lượng mũi nhọn, cầm chắc thất bại.

Sau khi phân tích quy luật:

– Thấy đánh thắng, dù chú bảo không đánh vẫn phải kiên trì đánh.

– Thấy đánh ắt thua, dù chúa bảo nhất định phải đánh cũng có thể không đánh.

– Tiến không cầu danh thắng, lui không sợ phạm lệnh, chỉ cốt bảo vệ lợi ích của nhân dân và quốc gia, tướng lĩnh thế mới thực sự là người quý của đất nước.

Đối với sĩ tốt như con em, họ sẽ cùng ra xông pha vào những nơi hung hiểm. Coi sĩ tốt như con yêu quý, họ sẽ cùng sống chết bên ta.

Hậu đãi quân sĩ mà không sử dụng, nuông chìu quân sĩ mà không giáo huấn, phạm pháp mà không phạt thì họ khác nào những đứa con hư, chẳng thể dẫn đi chinh chiến được.

Chỉ biết quân mình có thể đánh mà không hiểu có thể đánh địch được hay không thì mới có nửa phần thắng.

Biết có thể đánh được địch mà không hiểu quân mình có đánh nổi không cũng chỉ mới có nửa phần thắng.

Biết kẻ địch có thể đánh bại được, biết quân ta có thể đánh nổi mà không hiểu địa hình bất lợi cho việc tác chiến thì thắng lợi cũng mới nắm được một nữa.

Người biết dụng binh thì hành động quyết không mê muội, sử dụng chiến thuật biến hóa khôn lường. Chính vì thế:

– Biết địch biết ta, thắng mà không nguy.

– Nắm vững thiên thời địa lợi sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn.

11. THIÊN THỨ 11: CỬU ĐỊA
Tôn Tử viết: Trong binh pháp có chín thế đất khác nhau:
Thế đất ly tán: Chư hầu đánh lên đất của mình. –> Không nên đánh đường hoàng.
Thế đất dễ lui (vào cạn): Vào đất người chưa được sâu. –> Chớ dùng binh.
Thế đất khó lui (vào sâu): Đi sâu vào đất nước của người, đã vượt qua nhiều thành ấp của địch. –> Nên cướp đoạt.
Thế đất tranh giành: Ta chiếm được thì lợi cho ta, địch chiếm được thì lợi cho địch. –> Chớ tấn công.
Thế đất giao thông: Ta đi lại dễ dàng, địch cũng đi lại dễ dàng. –>  Chớ đóng binh ngăn đường.
Thế đất ngã tư: Đất tiếp giáp với ba nước chư hầu, ai đến trước thì giao kết được với dân chúng trong thiên hạ. –> Kết giao với các nước chư hầu.
Thế đất khó đi lại: Ở những vùng núi rừng hiểm trở, có nhiều đầm lầy, các đường xá đi lại rất khó khăn. –> Bỏ đi nơi khác.
Thế đất vây bọc: Lối vào chật hẹp, lối ra thì quanh co, binh địch ít có thể đánh được binh ta nhiều. –> Nên dùng mưu.
Thế đất chết kẹt: Đánh gấp thì còn sống, không dám đánh gấp thì phải thua chết. –> Nên liều đánh.
Ngày xưa, kẻ giỏi dụng binh thấy có lợi thì dấy binh, còn nếu không có lợi thì dừng và có thể khiến cho quân địch:
Trước sau mất liên lạc.
Binh nhiều và ít không thể cậy nhờ nhau.
Người sang và kẻ hèn không thể cứu nhau.
Người trên và kẻ dưới không thể giúp nhau.
Sỹ tốt ly tán mà không thể tập trung được.
Binh sỹ tụ hợp mà không thể chỉnh tề.
Nếu quân địch kéo đến đông đảo và chỉnh tề thì ta phải làm thế nào?
Điều trước tiên là đoạt hết chỗ thiết yếu của chúng, như thế ắt chúng phải nghe theo ta. Việc binh cốt yếu phải mau lẹ, thừa dịp địch không kịp xoay trở, ta đi theo những đường lối mà chúng ta không ngờ tới để đánh vào những chỗ mà chúng không phòng bị.
Binh giữ vai trò khách ở nước người, tiến sâu thì được chuyên mất, chủ nhân không thể khắc trị nổi.
Ta chiếm đoạt những đồng ruộng phì nhiêu để nuôi sống ba quân.
Ta bồi dưỡng sĩ tốt, đừng bắt họ làm lụng vất vả để dồn chứa khí lực cho họ.
Dùng mưu kế lạ khiến cho kẻ địch không thể lường được.
Ta ném binh vào thế không thể tháo lui nên binh ta dẫu chết cũng không trốn chạy thế mà không lẽ chịu chết mà không được gì hết sao? à Bởi thế nên sĩ tốt hết lòng chiến đấu.
Binh sĩ bị vây hãm quá mức ắt không còn lo lắng sợ hãi nữa, không có chỗ chạy nên phải vững chí, tiến sâu vào nên không bị trói buộc, cực chẵng đã phải đánh vậy.
Cho nên binh ấy không cần phải căn dặn gì mà vẫn giữ gìn, không cầu mong mà được lòng sĩ tốt, không cần ước thúc mà thương yêu bề trên, không cần nói mà đã tin cậy. Cấm bàn điểm gở, trừ khử nghi ngờ thì binh ấy đến chết cũng không thay lòng.
Binh sĩ không thừa tiền của cải không phải họ ghét tiền ghét của, họ không tiếc tính mạng không phải họ ghét sống lâu. Ngày ra lệnh sĩ tốt kẻ thì ngồi khóc nước mắt chảy ước áo, kẻ thì nằm khóc lệ tràn ướt má. à Cho nên ném binh vào chỗ không chạy được thì họ sẽ dũng cảm như Chuyên Chư ( một thích khách nước Ngô nổi tiếng bậc nhất thời Xuân thu chiến quốc – Trung Quốc).
Binh sĩ biết dùng sẽ giống như con suất thiên (một loại rắn ở Thường Sơn, Trung Quốc: đánh vào đầu thì đuôi quặp lại đâm, đánh vào đuôi thì đâu quay lại cắn, đánh vào mình thì đầu đuôi đều quặp vào giữa). Có thể dùng binh giống con suất thiên không?
Có thể !  Ví dụ minh họa: Người ở nước Ngô và nước Việt tuy ghét nhau nhưng khi ngồi chung một thuyền để qua sông gặp phải sóng gió thì cùng nhau như tay trái và tay phải. Trói chân ngựa, chôn bánh xe đều chưa đủ tin rằng chúng đứng yên một chổ.
Người giỏi dụng binh:
Làm cho mọi người cùng một lúc trở nên bạo dạn như một người.
Ba quân cứng hay mềm, mạnh hay yếu đều có thể dùng được cả, đó là nhờ địa thế. Sai sử ba quân giống như dẫn dắt một người thành thử họ cực chẵng đã phải tuân theo vậy.
Khi mưu đồ việc gì thì bậc tướng súy  phải;
Lặng lẽ để được sâu kín.
Ngay thẳng, chỉnh tề để được trị được yên.
Bịt tay, che mắt sĩ tốt khiến họ chẳng biết được ý mình.
Đổi công việc thay mưu kế khiến cho sĩ tốt không hiểu được việc mình.
Dời chổ ở dẫn binh đi quanh co khiến sĩ tốt không lường được kế mình.
Tướng súy dẫn binh đi lâm trận cũng như:
Lên cao rồi vứt thang đi.
Dẫn quân đi sâu vào đất chư hầu, tốt thuyền đập nồi để phát động tâm cơ sĩ tốt.
Xua một bầy dê: xua qua thì qua, xua lại thì tìm lại, chẳng biết đi đâu.
Nắm ba quân ném vào nơi hiểm yếu.
Tướng súy phải xét kỹ cách ứng biến của chín thế đất, điều lợi hại sự co duỗi, lẽ thường của nhân tình.
Phép đem quân giữ vai khách ở nước người:
Vào sâu: ắt được chuyên nhất.
Vào cạn: ắt phải ly tán.
Ra khỏi nước mình, vượt biên giới để đóng quân, đó là đất cách tuyệt
Giao thông được bốn nước, đó là đất ngã tư.
Đã vào sâu rồi, đó là đất khó lui.
Mới vào cạn, đó là đất dễ lui.
Mặt sau hiểm trở, không lui được, mặt trước đèo ải khó qua, đó là đất vây bọc.
Không có lối thoát, đó là đất chết kẹt.
Cách ứng biến:
Ở đất ly tán:Thống nhất ý chí của ba quân.
Ở đất dễ lui:Cho ba quân đi liền nhau, đồn chấn giữ liền nhau.
Ở đất khó lui:Lo chu cấp đều đặn lương thực cho quân sĩ.
Ở đất tranh giành:Ta đem quân đánh vào lưng địch.
Ở đất giao thông:Giữ gìn cẩn thận.
Ở đất ngã tư:Ta củng cố tình giao hảo với các nước chư hầu.
Ở đất chết kẹt:Ta cho sĩ tốt biết rằng không thể sống còn.
Ở đất vây bọc:Ta cho bít chỗ hở.
Ở đất khó đi lại:Ta đi qua khỏi cho gấp rút.
Tình trạng việc binh phải như sau:
Bị vây thì phải chống cự.
Cực chẳng đã nên phải đánh.
Bị địch bức bách quá nên phải tuân theo lệnh tướng súy.
Không biết được mưu kế của chư hầu thì không nên tính trước kết giao.
Không biết hình thế núi rừng, đầm lầy hiểm trở thì không thể hành quân.
Không dùng kẻ hướng đạo thì không thể lấy địa lợi.
Binh của bậc bá vương:  đánh nước lớn nào thì khiến cho binh của họ không thể tụ hợp lại được, uy hiếp địch đến nỗi các nước khác không giám đến kết giao với địch, cho nên không cần tranh giành việc kết giao với thiên hạ, không cần bồi đắp quyền thế của mình đối với thiên hạ, chỉ tin cậy thực lực riêng của mình để uy hiếp địch quốc nên có thể đánh lây thành của họ.
Chú ý:
Nên ban thưởng đặc biệt ra ngoài phép ban thưởng.
Nên ra những lệnh đặc biệt ra ngoài thông lệ thì có thể sử dụng ba quân như sai khiến một người.
Bày công việc ra để sai khiến mà chớ nói trước cho biết.
Bày điều lợi để sai khiến mà chớ cho thấy điều hại.
Ném binh vào đất mất rồi mới còn, để binh bị vây hãm ở đất chết rồi sau mới cho sống.
Để cho binh thấy sự nguy hại đe dọa rồi sau ta mới làm chủ sự thắng bại được.
Phép dụng binh:
Giả vờ theo ý địch, dồn binh đánh vào một hướng, từ ngàn dặm để giết tướng địch, đó gọi là “khéo nên làm nên việc”.
Ngày quyết định dấy binh: hãy đóng chặt các nơi quan ải, hủy bỏ phù tiết không thông sứ với địch quốc, trước phải tính toán cẩn thận chốn miếu đường để sắp đặt công việc cho được chu đáo.
Thấy địch sơ hở chỗ nào thì vội len vào.
Muốn đánh chiếm chỗ thiết yếu nào thì phải giấu kín ý định của ta, phải tùy theo địch tình mà sắp đặt kế hoạch chiến đấu.
Lúc mới đầu binh phải như gái tơ, chờ địch hé cửa thì xông vào như thỏ chạy trốn, khiến địch không kịp chống cự.

12. THIÊN THỨ 12: HỎA CÔNG
Tôn Tử viết:  Có 5 cách đánh bằng lửa:
Thứ nhất: Đốt doanh trại để giết người.
Thứ hai: Đốt lương thảo tích trữ.
Thứ ba: Đốt xe cộ.
Thứ tư: Kho lẫm(*).
Thứ năm: Đốt đội ngũ để làm giặc rối loạn.
Muốn dùng hỏa, phải có nhân duyên. Muốn phóng hỏa phải chờ thời tiết, muốn châm lửa phải chọn ngày.
Thời tiết thuận lợi là ngày mà mặt trăng ở lại trong các sao Cơ, Bích, Dực, Chẩn(*). Đây là những ngày nổi gió.
Khi dùng hỏa công, phải ứng biến tùy theo 5 trường hợp phóng hỏa:
Lửa cháy ở bên trong thì gấp tiếp ứng ở bên ngoài.
Lửa cháy rồi nhưng binh địch vẫn yên lặng, hãy chờ xem mà chớ vội đánh.
Lửa cháy to: Vào được thì vào, không vào được thì thôi.
Lửa đã cháy được ở ngoài thì không cần nội ứng, lựa dịp thuận lợi mà đánh vào.
Lửa cháy ở trên luồng gió thì chớ ở dưới luồng gió đánh lên.
Ban ngày có gió nhiều thì ban đêm không có gió.
Dùng lửa để trợ giúp vào sự tấn công thì sáng sủa dể thấy. Dùng nước để trợ giúp sự tấn công thì được mạnh thế hơn. Nước có thể dùng để ngăn chặn chứ không thể dùng để chiếm đoạt.
Phép yêu nước, giữ binh được vẹn toàn mà nhà Vua sáng suốt và tướng tài cần phải lo tính và sắp đặt:
Đánh thắng, giành lấy được mà không tưởng thưởng công lao cho sĩ tốt thì đó là điều nguy hại, như thế chỉ ở lại đất địch tiêu phí tiền một cách vô ích.
Không thấy lợi thì đừng dấy binh, không nguy khốn thì đừng đánh.
Nhà Vua không nên vì giận giữ và tướng tài không nên vì oán hờn mà gây chiến. Đã giận có thể mừng trở lại, đã hờn có thể vui trở lại nhưng nước mất rồi thì khó lấy lại và người chết rồi thì không thể sống lại.
Thấy có ích lợi cho nước nhà thì dấy binh còn không thì thôi.

13. THIÊN THỨ 13: GIÁN ĐIỆP
Tôn Tử viết:  Phàm dấy binh mười vạn, đi xa ngàn dặm, tính chung các phí tổn của trăm họ, sự cung phụng của các nhà công… mỗi ngày lên tới ngàn lượng vàng, trong ngoài phải náo động, nhân dân chịu vất vả vì việc phu dịch ở dọc đường, bỏ bê công việc làm ăn lên tới bảy mươi vạn nhà. Kéo dài đến nhiều năm để tranh thắng lợi trong một ngày mà lại không dám ban tước lộc, không dám thưởng trăm lượng vàng để dùng gián điệp đến nổi không biết tình hình quân địch, đó là hạng người hết sức bất nhân: người ấy chẳng đáng làm chủ tướng của mọi người, chẳng đáng làm tôi phò chúa, không thể làm chủ được sự thắng lợi. Cho nên, các bậc vua chúa sáng suốt, tướng tài sở dĩ dấy binh thắng địch, thành công hơn người đó là nhờ biết trước vậy. Biết trước ở đây không phải nhờ quỉ thần mách bảo, không phải nhờ so sánh các việc tương tự mà tìm biết được, phải nhờ người mà biết được tình hình của quân địch.
Dùng gián điệp thì có năm loại:
Nhân gián (hương gián): là nhân lấy người làng bên nước địch để dùng làm gián điệp.
Nội gián: là nhân lấy quan lại của địch để dùng làm gián điệp.
Phản gián: là nhân lấy gián điệp của địch để dùng làm gián điệp cho mình.
Tử gián: là ta phô trương các vật giả giá ngoài, báo cho gián điệp của ta biết để truyền tin cho địch.
Sinh gián: là hạng gián điệp trở về được để báo cáo tình hình.
Khi năm hạng gián điệp ấy cùng khởi sự, không ai biết được các đường lối dò xét hiểm hóc của họ như thế mới là thần bí, đáng gọi là báu vật của vua loài người.
Xét chung trong ba quân:
Những người thân thiết với tướng súy thì không ai thân thiết bằng gián điệp.
Những kẻ được thưởng thì không ai được thưởng bằng gián điệp.
Các việc bí mật thì không việc nào bí mật cho bằng gián điệp.
Khi sử dụng gián điệp phải chú ý:
Không phải là bậc thánh trí thì không dùng được gián điệp.
Không phải là bậc nhân nghĩa thì không sai khiến được gián điệp.
Không tinh vi khéo léo thì không biết được thực tình nhờ gián điệp.
Gián điệp của địch chưa do thám ta xong mà ta nghe biết trước rồi thì gián điệp của địch và kẻ cáo giác cho ta biết đều phải bị giết chết.
Khi muốn đánh quân nào, đều phải biết rõ người tướng trấn giữ, các người thân tín của người tướng, người tiếp khách, người gác cửa….tên họ của từng người, đều phải kiếm gián điệp của ta tìm tòi mà biết thông tin cho đầy đủ.
Tìm cho ra gián điệp mà địch sai tới do thám ta, lấy điều lợi mà dụ dỗ họ, dẫn dắt họ, cho ăn ở …như thế có thể dùng họ làm phản gián cho ta được. Nhờ họ làm phản gián mà ta biết tình hình của nước địch, do đó kiếm được hương gián và nội gián bên nước địch để mà lợi dụng.  Phản gián mà biết địch hình khiến tử gián bày đặt việc dối trá để đến cáo giác với quân địch, đồng thời sai sinh gián đi về đúng kỳ hạn. Vì vậy, phản gián không thể không được hậu đãi. Năm việc gián điệp trên, người sử dụng phải biết đủ.
Ví dụ minh họa: Trung Quốc cổ xưa, khi nhà Ân khởi nghĩa thì Y Doãn bên đất nhà Hạ để dò xét, khi nhà Chu khởi nghĩa thì ông Khương Tử Nha bở bên đất nhà Ân dò xét tình hình. Chỉ bậc vua sáng, tướng tài mới có thể dùng gián điệp để có thành công lớn.

 

Tin liên quan
    Copyright © 2024 CỬA HÀNG THỰC PHẨM LÊ VĂN SỸ. All rights reserved. Web design NiNa Co.,Ltd
    Online: 1   |   Tháng: 585  |   Tổng: 96138
    Hotline tư vấn miễn phí: 0909 399 480
    Zalo

    Gạo ST25

    Gạo sóc trăng ST25

    Gạo ST25 ngon nhất thế giới