BINH PHÁP LỤC THAO (quyển LONG THAO) – KHƯƠNG TỬ NHA

Lục Thao  hay Lược Thao (六韬) hay Thái công lục thao (太公六韬), Thái công binh pháp (太公兵法) là một tác phẩm binh pháp đưa ra những lý luận có hệ thống về mưu lược dùng binh trong chiến tranh, tương truyền do Khương Tử Nha đầu đời nhà Chu sáng tác. Tuy nhiên hiện nay đa số ý kiến cho rằng Lục Thao chỉ là do người đời Chiến Quốc ghi chép lại những tư tưởng của Khương Tử Nha mà làm thành.

Phiên bản Lục Thao cổ nhất được tìm thấy là trong bộ “Thẻ tre Ngân Tước sơn” do các nhà khảo cổ Trung Quốc khai quật được năm 1972

Năm 1935 Trung Hoa học nghệ xã đã dựa theo bản in thời Tống để cho xuất bản lại bộ VŨ KNH THẤT THƯ trong đó có Lục Thao.
SƠ LƯỢC VỀ TÁC GIẢ: KHƯƠNG TỬ NHA

Ảnh: hình minh họa Khương Tử Nha câu cá trên sông Vị.

Khương Tử Nha (姜仔呀), tên thật Khương Thượng (姜尚), tự là Tử Nha (子牙)và còn có tên khác là Lã Vọng, là khai quốc công thần nhà Chu thế kỷ 12 trước Công nguyên và là vua khai lập nước Tề tồn tại từ thời Tây Chu đến thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc

Khương Tử Nha tuổi già thường đi câu cá ở sông Vị, tình cờ được Cơ Xương (Văn Vương – vị vua đầu tiên của nhà Chu) ngưỡng mộ tài năng sau cuộc gặp gỡ trong một chiến đi săn và đón về cung, tôn làm thầy. Khương Thượng giúp Cơ Xương chấn chỉnh nội trị và xây dựng lực lượng nước Chu để mưu đánh đổ nhà Thương tàn bạo mất lòng dân.

Khương Tử Nha tiếp tục phò Cơ Phát ( Vũ Vương – 1226 Trước Công Nguyên) đánh bại Trụ Vương (nhà Thương) và được phong làm vua Tề (Tề Thái Công) ở đất Doanh Châu

Quyển LONG THAO

Thiên thứ nhất: VƯƠNG DỰC
Võ Vương hỏi Thái Công: “Vua mang quận đi đánh phải có tay chân vây cánh để tạo nên uy thần, muốn vậy thì phải làm thế nào?”
Thái Công đáp: “Phàm cất quân đi đánh, thì dùng tướng làm mệnh. Mệnh cốt ở chổ thông suốt, chứ không theo một phép nhất định. Tùy theo khả năng mà giao phó nhiệm vụ, tận dụng sở trường của từng người, lấy sự tùy cơ ứng biến làm nguyên tắc.
Nên tướng có 72 người làm tay chân vây cánh, ứng theo số trời định để nghiên cứu phương pháp, hiểu rõ nguyên lí, đủ tài hay thuật lạ, thì mọi việc đều xong cả”.
Võ Vương nói: “Xin hỏi về từng mục”.
Thái Công đáp: “Tâm của một người, chuyên về mưu lược, đối phó cấp thời, diệt trừ biến loạn, nắm trọn mưu kế để bảo toàn tính mạng của dân.
Mưu sĩ 5 người, lo sự an nguy, tính việc chưa xảy đến, xem xét đức hạnh tài năng, thưởng phạt nghiêm minh, bổ nhiệm quan tước, quyết đoán sự hiềm nghi, định việc nên hay đừng.
Thiên văn 3 người, chuyên xem tinh tú, khí hậu dự đoán ngày giờ, quan sát sự linh ứng, kiểm chứng thiên tai chuyện lạ, biết rõ lòng người và thời cơ tiến lui.
Địa lợi 3 người, lo việc tiến dừng của ba quân, tình thế lợi hại, tin tức gần xa, dễ hay khó, sông núi cách trở ra sao, để không mất địa lợi.
Binh pháp 9 người, nghiên cứu những điểm khác nhau, hành động thành bại, huấn luyện ba quân, chỉ ra những điều sai của binh pháp.
Thông lương 4 người, lo việc ăn uống, tích trữ lương thực, chuyển vận ngũ cốc, khiến ba quân không bị thiếu thốn.
Phần uy 4 người, chuyên chọn người tài đức, nghiên cứu binh lược, đánh như gió thổi, sấm vang, khiến địch không biết đến từ đâu.
Phục cổ kì 3 người lo việc dùng cờ trống, làm sáng tai mắt ba quân,mạo chứng thu ấn tín, giả hiệu lệnh đối phương, đi lại trong đêm tối xuất nhập như thần:
Cố vấn 4 người, đảm nhiệm công tác nặng nề, sửa hào đắp lũy, phòng ngự địch quân.
Thông tài 3 người, chuyên tìm chổ sơ sót, sửa chữa lỗi lầm, tiếp đãi tân khách, bàn bạc chuyện trò giải quyết việc rắc rối.
Quyền sĩ 3 người, chuyên làm điều quỹ quyệt, đặt chuyện dị kì, biến trá vô song, không ai biết được.
Nhĩ mục 7 người, đi lại nghe ngóng tin tức, quan sát biến động, xem xét công việc bốn phương và tình hình trong quân ngũ.
Trảo nha 5 người, chuyên nâng cao uy vũ khích lệ ba quân, khiến họ hăng hái không ngại xông pha chốn hiểm nguy.
Vũ dực 4 người, chuyên tuyên truyền danh tiếng, kinh động bốn cõi, làm nao núng lòng địch.
Du sĩ 8 người, chờ dịp có âm mưu gian biến móc nối cảm tình, xét ý hướng địch để làm gián điệp
Thuật sĩ 2 người, lợi dụng quỷ thần làm điều giả dối để mê hoặc lòng dân.
Phương sĩ 2 người, rành về thuốc men, trị lành bệnh và thương tích.
Pháp toán 2 người, lo việc kế toán trong ba quân, xuất nhập vật dụng, doanh trại, lương thực, tiền của”.

Thiên thứ hai: LUẬN TƯỚNG
Võ Vương hỏi Thái Công: “Phép luận tướng như thế nào?”
Thái Công đáp: “Tướng có năm điều hay và mười điều lợi”.
Võ Vương hỏi: “Xin hỏi về từng mục”.
Thái Công đáp: “Năm điều hay là dũng, trí, nhân, tín, trung. Dũng thì không thể xâm phạm. Trí thì không thể rối loạn. Nhân thì hay thương người. Tín thì không dối trá. Trung thì không ở hai lòng.
Mười điều lợi là:
Dũng mà coi thường cái chết. Gấp mà trong lòng vội vã. Tham mà ham lời. Nhân mà không nỡ giết người. Trí mà nhút nhát. Tín mà hay tin người. Liêm mà không thương người. Trí mà chậm chạp. Cương mà chỉ theo ý mình. Nhu mà hay nghe người.
Dũng mà coi thường cái chết thì bị hại. Tham mà ham lợi thì sơ suất. Nhân mà không nỡ giết người thì sinh phiền nhiễu. Trí mà nhút nhát thì bị khốn đốn. Tín mà hay tin người thì bị lừa gạt. Liêm mà không thương người thì bị khinh nhờn. Trí mà chậm chạp thì bị đánh úp. Cương mà chỉ theo ý mình thì thành tai hại. Nhu mà hay nghe người thì bị chèn ép.
Nên việc binh là việc trọng đại, là đạo mất còn của một nước. Mệnh ở trong tay của người tướng nên tướng là người phò tá nước nhà mà xưa kia các bật tiên vương vốn rất coi trọng. Khi phong người làm tướng không thể không xét kỹ.
Cho nên thường nói rằng, binh không thắng hai lần, cũng không thua hai lần, không mất nước thì cũng bị mất tướng tàn quân”.
Võ Vương nói: “Thật là hay vậy”.

Thiên thứ ba: TUYỂN TƯỚNG
Võ Vương hỏi Thái Công: “Khi vua cử binh, muốn tuyển chọn anh hùng, làm sao phân biệt tài cao thấp của kẻ sĩ?”.
Thái Công đáp: “Diện mạo của kẻ sĩ thường không giống với bên trong”.
-    Có người nghiêng mà không hiền.
-    Có người hiền mà trộm cắp.
-    Có người cung kính bề ngoài mà trong lòng khinh người.
-    Có người tỏ ra liêm khiết mà không thật thà.
-    Có người chung thủy mà bất nghĩa.
-    Có người nồng hậu mà không thành tâm.
-    Có người giỏi mưu mà không quả quyết.
-    Có người quả cảm mà không tài năng.
-    Có người thật thà mà không tin được.
-    Có người hốt hoảng mà không trung trực.
-    Có người quỷ quyệt mà làm nên công.
-    Có người ngoài dạn mà trong nhát.
-    Có người trang nghiêm mà dễ dãi.
-    Có người quát tháo mà bình tĩnh.
-    Có người dáng xấu xa, nhưng khi ra ngoài thì ngang dọc vẫy vùng, không có gì là không làm được. Thiên hạ khinh thường mà thánh nhân quý trọng. Người thường không thể biết nếu không là bật cao minh thì không nhìn thấy điều này. Đấy là điện mạo kẻ sĩ, không giống với suy nghĩ bên trong.
Võ Vương hỏi: “Làm sao mà biết được?
Thái Công đáp: “Có tám cách để biết”
-    Một là dùng lời mà hỏi để xem xét cách ăn nói.
-    Hai là cố tình trách móc để xem sự đổi thay.
-    Ba là cho biết âm mưu để xem lòng thành thật.
-    Bốn là thăm hỏi rõ ràng để xem đức độ.
-    Năm là sai khiến bằng tiền để xem tính thanh liêm.
-    Sáu là thử sắc đẹp để xem sự trinh khiết.
-    Bảy là cho biết khó khăn để xem lòng can đảm.
-    Tám là chuốc rượu cho say để xem thái độ.
Thử bằng tám cách này thì phân biệt được kẻ ngu người hiền”.

Thiên thứ bốn : LẬP TƯỚNG
Võ Vương hỏi Thái Công: “Đạo lập tướng như thế nào?”.
Thái Công đáp: “Khi đất nước lâm nguy thì vua rời khỏi chính điện, mời vị tướng vào mà dụ rằng “Xã tắc yên nguy, đều do nơi tướng quân. Nay có nước Mỗ không thuần phục, mong tướng quân đem binh đối phó”.
Khi tướng đã nhận mệnh, vua sai quan Thái sư xem xét thiên văn, ăn chay ba hôm nơi Thái miếu, nghiên cứu linh quy, chọn ngày tốt để trao búa rìu.
Vua vào trong miếu, đứng ở cửa bắc, cầm lưỡi búa trao cho tướng mà nói rằng ‘Từ nay trở đi từ mặt đất đến vực thẳm đều do tướng quân chế ngự. Thấy địch yếu thì tiến, địch mạnh thì dừng, không vì quân đông mà khinh địch, chớ vì nhận mệnh mà phải chết. Đừng cho mình cao quý mà khinh người, không độc đoán mà phản bội lòng dân, cũng không nên cho lời của mình là đúng. Quân chưa ngồi thì không ngồi, quân chưa ăn thì không ăn, cùng chung cảnh ấm no đói rét, như thế thì sĩ tốt sẽ chiến đấu quên mình”.
Tướng nhận mệnh xong bái tạ ân vua mà đáp rằng: “Thần nghe nói, nước không thể trị từ bên ngoài, quân không thể trị từ bên trong. Kẻ có hai lòng không thể thờ vua, người nhụt chí không thể đánh giặc. Nay thần đã chịu mệnh vua, nắm trọn quyền uy lãnh đạo, thần không dám tham sống trở về, xin vua hạ lệnh cho thần, nếu vua không cho phép thì thần không dám làm tướng”.
Vua nhận lời, tướng bèn cáo biệt ra đi. Mọi việc trong quân ngũ đều không theo lệnh vua, mà tuân theo lệnh tướng. Gặp địch chỉ quyết chiến, chứ không có hai lòng.
Như vậy thì trên không có trời, dưới không có đất, trước không có địch, sau không có vua. Nên bậc tài trí mới có công giúp vua, người vũ dũng mới gắng sức dẹp giặc. Khí thế cao vút tận mây xanh, tiến nhanh như ngựa phi nước đại, quân chưa giao chiến mà địch đã đầu hàng.
Ngoài thì chiến thắng địch, trong lập được công to, quan được thăng cấp, quân được ban thưởng, trăm họ vui mừng, không còn gặp cảnh tai ương. Do đó mà bốn mùa mưa thuận gió hoà, ngũ cốc phong phú, xã tắc yên vui”.
Võ Vương nói: “Thật là hay lắm”.

Thiên thứ năm : TƯỚNG UY
Võ Vương hỏi Thái Công: “Tướng lấy gì làm uy, lấy gì làm sáng, lấy gì làm răn mà lệnh được thi hành?”
Thái Công đáp: “Tướng lấy việc diệt lớn làm uy, thưởng nhỏ làm sáng, hình phạt làm răn mà lệnh được thi hành.
Nên giết một người mà ba quân run sợ thì phải giết. Thưởng một người mà vạn người đều vui thì nên thưởng. Việc giết quý ở chỗ không kể người cấp to, việc thưởng quý ở chỗ kể cả người cấp nhỏ. Giết đến quan đang có địa vị cao quý là phạt đến cấp cao nhất. Thưởng đến kẻ chăn trâu tắm ngựa là thưởng đến tận kẻ dưới.
Phạt đến kẻ trên cùng, thưởng đến tận kẻ dưới là những việc làm tăng thêm uy quyền của người tướng vậy”.

Thiên thứ sáu: LỆ QUÂN
Võ Vương hỏi Thái Công: “Trẫm muốn khiến cho ba quân, lúc công thành thì tranh nhau lên, khi dã chiến thì tranh nhau tiến, nghe chiêng khua mà giận, nghe trống đánh mà mừng thì phải làm thế nào?”
Thái Công đáp: “Tướng có ba điều cần biết”.
Võ Vương hỏi: “Xin hỏi từng mục”.
Thái Công đáp: “Tướng mà mùa hè không cần quạt, mùa đông không mặc áo lông cừu ,gặp mưa không che lọng, gọi là Lễ Tướng. Làm tướng mà thân không giữ lễ, thì không biết được sự nóng rét của sĩ tốt.
Ra chốn hiểm trở, vào nơi sình lầy, tướng phải đi trước, gọi là Lực Tướng. Làm tướng mà bản thân không lao lực thì không biết được sự cực khổ của sĩ tốt.
Quân đã yên nghỉ, tướng mới vào nhà. Cơm đều chín cả, tướng mới đến ăn. Quân không đốt lửa, tướng cũng khôgn đốt. Gọi là Chỉ dục Tướng. Làm Tướng mà không nếm qua cảnh cực khổ thì không biết được sự đói lo của sĩ tốt.
Tướng cùng sĩ tốt chung cảnh nóng rét, cực khổ, đói no thì khi nghe trống đánh ba quân đều mừng, nghe chiêng khua ba quân đều giận, gặp thành cao hào sâu, tên bay đá ném vẫn tranh nhau lên, đao kiếm giáp nhau vẫn tranh nhau tiến, không phải là họ thích bị thương vong, mà vì tướng biết đến cảnh ấm no đói rét, hiểu rõ sự lao khổ của họ”.

Thiên thứ bảy: ÂM PHÙ
Võ Vương hỏi Thái Công: Đem quân vào sâu đất chư hầu, nếu trong ba quân chợt có việc hoãn gấp có thể có lợi, có thể có hại. Vua với tướng muốn thông báo nhau từ gần đến xa, tiếp ứng nhau từ trong ra ngoài, cung cấp nhu cầu cho ba quân thì phải làm thế nào?”.
Thái Công đáp: “Vua và tướng có thứ âm phù: (ám hiệu)
-    Thứ đại thắng dài một thước
-    Thứ giết quân bắt tướng dài 9 tấc
-    Thứ chiếm đất hạ thành dài 8 tấc
-    Thứ báo tin đuổi địch dài 7 tấc
-    Thứ răn quân kiên thủ dài 6 tấc
-    Thứ xin lương thêm binh dài 5 tấc
-    Thứ quân thua tướng mất dài 4 tấc
-    Thứ bất lợi, chết quân dài 3 tấc
Những người nhận lệnh thi hành âm phù cần phải thận trọng, nếu việc trong âm binh bị tiếc lộ thì người nghe kẻ nói đều bị giết.
Vua và tướng dùng tám thứ âm phù này để bí mật thông báo tin tức với nhau chứ không dùng lời nói câu văn.
Đấy là một thuật để trong ngoài hiểu nhau, nên dù địch có thánh trí cũng không thể biết được”.
Võ Vương: “Thật là hay vậy”.

Thiên thứ tám: ÂM THƯ
Võ Vương hỏi Thái Công: “Đem quân vào sâu đất chư hầu, vua và tướng muốn họp quân lại để hành sự, biến hoá vô cùng, hay mưu tính việc lợi trong khi địch bất trắc, như thế công việc rất nhiều mà âm phù không diễn tả được, đôi bên lại xa cách, không thể dùng lời nói thông tin với nhau, thì phải làm thế nào?”.
Thái Công đáp: “Khi có chuyện mất hay toan tính việc lớn thì nên dùng thư mà không dùng phù. Vua viết thư cho tướng, tướng viết thư hỏi vua. Thư từ đều dùng cách hợp nhất phân chia, ba người phát đưa mà chỉ một người biết, nghĩa là lấy ý trong thư chia ra làm ba phần, giao cho ba người mang đi, nên không ai rõ được sự tình. Như thế gọi là âm thư, dù địch có thánh trí cũng không thể biết được”.
Võ Vương nói: “Thật là hay vậy”.

Thiên thứ chín: QUÂN THẾ
Võ Vương hỏi Thái Công: “Phép công phạt như thế nào?”
Thái Công đáp: “Phải nhân sự biến động của địch giữa hai trận đánh mà phát ra thế kì chính vô tận.
Cho nên việc đến không cần bàn, dùng binh không cần bàn nhiều và ít có thời gian, binh đã dùng thì hình dáng không thể lấy nó, chợt đi chợt đến, không ai chế ngự được. Đó mới là biết cách dùng binh.
Phàm việc binh hễ nghe thì bàn bạc, thấy thì mưu đồ, biết liệu chỗ khó khăn, phân biệt việc nguy hiểm. Nên người thiện chiến không chờ đến lúc dàn quân, kẻ khéo trị đã biết diệt trừ khi hoạ chưa xảy đến.
Người giỏi thắng địch, thắng từ lúc vô hình, khi ra trận không được giao chiến. Cho nên tranh thắng nơi trận mạc không phải là tướng giỏi,  phòng bị khi đã mất không phải là bậc thánh, dạy dỗ như mọi người không phải là bậc thánh, trị giống như mọi người không phải là bậc quốc sư, tài nghệ như mọi người không phải là bậc quốc công.
Không gì lớn hơn là việc đã thành. Không gì khéo hơn là bình tĩnh hành động, không gì hay hơn là bất ngờ. Mưu không gì tốt hơn là kín đáo. Người thắng trước là kẻ đã thấy chổ yếu của địch rồi mới đánh, nên chỉ làm một nửa mà hiệu suất gấp bội.
Thánh nhân xem sự biến động của trời đất mà biết được giềng mối, xét đạo âm dương mà tuỳ thế tuỳ thời. Trời đất đầy vơi là lẽ thường, vạn vật sống chết là do hình tượng của trời đất, nên chưa thấy hình dạng mà đánh thì dù đông vẫn thua.
Người thiện chiến, sẵn có tinh thần bất khuất, thấy thắng thì khởi binh, không thắng thì đừng, nên mới nói rằng không sợ hãi mà cũng không do dự. Trong phép dùng binh, do dự là một điều tai hại nhất. Tai vạ trong ba quân, cũng không có gì hơn là hồ nghi. 
Người thiện chiến, thấy lợi không thể mất, gặp thời không hồ nghi, vì để mất lợi thì sau phải gánh lấy tai ương.
Nên người có trí, tuỳ thời mà không bỏ lợi. Kẻ khoé tính, cương quyết mà không phân vân, như sấm không kịp che tai, chớp nhanh không kịp nhắm mắt, đi mau như sợ hãi, dùng binh như điên cuồng, ai ngăn thì phải vỡ, ai gần thì phải chết, không ai có thể chống cự.
Tường tướng không nói mà giữ được là thần, không nhìn mà thấy được là minh (sáng). Nên biết đạo thần minh thì trong rừng không có giặc hoành hành, trước mắt không có nước đối lập”.
Võ Vương nói: “Thật là hay vậy”.

Thiên thứ mười: KÌ BINH
Võ Vương hỏi Thái Công: “Điều quan trọng trong phép dùng binh như thế nào?”
Thái Công đáp: “Xưa kia, những người thiện chiến không phải đánh ở trên trời, cũng không phải đánh ở dưới đất, mọi việc thành bại đều do “thế” mà ra. Được thế thì thịnh, thất thế thì mất.
Thường giữa hai trận đánh, ta dàn quân cởi giáp cho sĩ tốt nghỉ ngơi,  thi hành kế hoạch của trận đánh.
Đóng nơi cây cỏ rậm rạp để có chỗ ẩn nấp, nơi hang sâu hiểm trở để ngăn xe chống kị binh, nơi núi rừng quan ải để dùng ít đánh nhiều, nơi ao đầm âm u để che giấu hình dáng, nơi đồng trống quang đãng để dùng sức tranh hùng.
Nhanh như tên bay, đạn bắn để phá chỗ tinh vi của địch, bày mưu ẩn núp, đem binh dẫn dụ để phá quân, bắt tướng. Chia tư xẻ năm để phá thế vuông tròn. Khiến địch sợ hãi để dùng một đánh mười. Thừa lúc địch mệt để lấy mười đánh trăm.
Dùng kỹ thuật để vượt sông ngòi. Nỏ cứng giáo dài để đánh thuỷ chiến. Do thám quan ải, đột nhập nhanh chóng để chiếm ấp hạ thành. Đánh trống ầm ĩ để dùng kế lạ. Mưa to gió lớn để đánh trước chặn sau. Giả làm sứ địch để chặn đường tải lương, giả mạo hiệu lệnh, ăn mặc như địch để phòng khi chạy trốn.
Lấy nghĩa mà đánh để khích quân thắng địch. Thăng chức trọng thưởng để khiến quân tuân hành. Nghiêm hình trọng phạt để răn quân lười biếng. Khi vui khi giận, lúc lấy lúc cho, khi văn khi võ, lúc nhanh lúc chậm để điều hoà ba quân trị người dưới trướng.
Ở nơi cao rộng để tiện việc phòng thủ, giữa chốn hiểm nguy để dễ bè củng cố, rừng núi rậm rạp để che dấu sự đi lại, luỹ cao hào sâu lương đầy để cầm cự lâu dài.
Cho nên không biết mưu kế tấn công thì không thể nói là vô địch, không biết cách phân chia thay đổi thì không thể nói là li kì, không giỏi cách trị loạn thì không thể nói là ứng biến.
Nên mới nói rằng: “Tướng không có nhân thì ba quân không thân, tướng không có dũng thì ba quân không tinh nhuệ, tướng không có trí thì ba quân nghi ngờ, tướng không sáng suốt thì ba quân nghiêng ngửa, tướng không tinh vi thì ba quân lơ là, tướng không hay răn dạy thì ba quân không phòng bị, tướng không kiên quyết thì ba quân bê trễ.
Cho nên tướng là tư lệnh của ba quân, có thể khiến ba quân yên, có thể khiến ba quân loạn. Tướng giỏi thì quân cường nước thịnh, tướng không giỏi thì quân suy nước mất”.
Võ Vương nói: “Thật là hay vậy”.

Thiên thứ mười một: NGŨ ÂM
Võ Vương hỏi Thái Công: “Nghe âm thanh luật quản (nhạc cụ chế bằng ống trúc để làm tiêu chuẩn cho các âm thanh) có thể biết được tin tức của ba quân, có quyết định sự thắng bại hay không?”.
Thái Công đáp: “Câu hỏi của vua thật là sâu sắc. Luật quản có mười hai thứ, căn bản là ngũ âm: cung, thương, giác, chuỷ, vũ. Đấy là những âm thanh chính, muôn đời không thay đổi, là chỗ thần diệu của ngũ hành mà cũng là lẽ thường của đạo.
Nhờ ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ ta có thể biết được địch và dùng cái hay của mỗi loại để tấn công họ.
Ngày xưa, Tam Hoàng, lấy sự khiêm nhường mà trị sự cứng cỏi, chưa có chữ nghĩa, chỉ dùng ngũ hành. Ngũ hành là đạo tự nhiên của trời đất, chia thành lục giáp thần diệu vô cùng. 
Phương pháp áp dụng là nhân lúc trời trong sáng không mây mù mưa gió, nửa đêm đem quân đột nhập thành luỹ địch, cách hơn chín trăm bước, tay cầm luật quản, gào thét bên tai địch, trong âm thanh kích động xen lẫn tiếng quản nghe rất nhỏ.
Tiếng trổ âm giác (mộc) thì dùng bạch hổ (kim), trổ âm thuỷ (hoả) thì dùng huyền vũ (thuỷ), trổ âm thương (kim) thì dùng chu tước (hoả), trổ âm vũ (thuỷ) thì dùng câu trần (thổ). Tiếng quân chấm dứt không trổ âm nào là cung (thổ) thì dùng thanh long (mộc), đấy là âm hiệu ngũ hành giúp cho chiến thắng, là cơ sở của sự thành bại”.
Võ Vương nói: “hay lắm”
Thái Công tiếp: “Khi nghe âm thanh khác lạ thì phải dò xét bên ngoài”
Võ Vương hỏi: “Làm sao mà biết?”
Thái Công hỏi: “Trong khi địch kinh động thì ta để ý nghe. Nghe tiếng trống là giác, thấy lửa sáng là chuỷ, nghe tiếng kim khí là thương, nghe tiếng reo hò là vũ, im lặng không có tiếng động là cung. Đấy là âm điệu của thanh sắc”.

Thiên thứ mười hai: BINH TRƯNG
Võ Vương hỏi Thái Công: “Khi chưa đánh nhau, ta muốn biết biết trước sự mạnh yếu của địch, thấy trước cái điểm thắng bại thì phải làm thế nào?”.
Thái Công đáp: “Cái điềm thắng bại, có thể nhìn thấy ở tinh thần. Người tướng sáng suốt biết xem xét, thì cái bại thuộc về người khác.
Cẩn thận là do sự ra vào tiến lui của địch, xem xét động tĩnh, lời nói tốt xấu do binh sĩ địch tiết lộ.
Nếu ba quân vui vẻ, sĩ tốt tôn trọng pháp luật, tuân theo lệnh tướng, lấy việc phá địch để cùng vui, lấy lòng dũng mãnh để phô tài, lấy uy vũ để kính nhau, thì đấy là điểm mạnh.
Nếu ba quân hay sợ hãi. Sĩ tốt không một lòng lấy địch mạnh doạ nhau, đem điều bất lợi bảo nhau, kháo nhau không hết chuyện xấu, mọi người bàn tán nghi hoặc lẫn nhau, không theo pháp luật, không trọng tướng mình, thì đấy là điểm yếu.
Nếu ba quân tề chỉnh, trận thế vững vàng, thành cao hào sâu, lại được lợi khi mưa to gió lớn, ba quân chỉ cờ ra phía trước, tiếng chiêng vang rất thanh, tiếng trống kêu rất rõ, thì đấy là sự giúp đỡ của thần linh, là điểm thắng lớn.
Nếu ra trận không vững vàng, cờ xí rối loạn quấn lấy nhau, không lợi khi mưa to gió lớn, sĩ tốt kinh hãi, khí thế bị mất, ngựa chiến sợ chạy, xe bị gảy trục, tiếng chiêng thấp đục, tiếng trống khàn như bị thấm nước, thì đấy là điểm thua to.
Phàm đánh thành vây ấp mà trông thấy khí sắc trong thành như tro tàn thì thành ấy có thể đánh được, khí trong thành bốc về hướng Bắc thì thành ấy có thể lấy được. Bốc về hướng Tây thì thành ấy phải đầu hàng. Bốc về hướng nam thì thành ấy không thể chiếm được. Bốc về hướng Đông thì thành ấy không thể đánh được. Bốc rồi lại bay vào làm chủ tướng chạy trốn. Bốc lên rồi che trên quân ta thì quân ta mắc bệnh. Bốc lên cao mãi không dứt là phải chiến đấu lâu dài.
Khi đánh thành vây ấp quá một tuần mà không mưa không sấm, thì phải bỏ đi ngay, vì trong thành đã có người trợ giúp.
Đấy là điềm để biết trước có thể đánh được thì mới đánh, không thể đánh được thì thôi”
Võ Vương nói: “Thật là hay vậy”.

Thiên thứ mười ba: NÔNG KHÍ
Võ Vương hỏi Thái Công: “Khi thiên hạ yên ổn trong nước vô sự, ta không cần tu bổ chiến cụ, không cần lo việc phòng thủ có được chăng?”
Thái Công đáp: “Những công cụ tấn công hay phòng thủ đều do công việc của con người.
Việc cầy cấy gây trở ngại cho ngựa đi. Xe cộ, ngựa, trâu là dinh lũy, thuẫn, mộc. Dụng cụ cầy bừa là binh khí, mâu, kích. Dù, nón, áo tơi là binh giáp che thân. Cuốc, mai, búa, cưa, chày, cối là vật dụng đánh thành. Trâu, bò, ngựa để vận tải lương thực. Chó, gà để canh phòng kẻ địch. Đàn bà dệt vải để làm cờ xí. Đàn ông san đất là đánh thành.
Mùa xuân sạch cỏ gai là đánh kị binh, mùa hè làm cỏ ngoài đồng là đánh quân bộ, mùa thu gặt lúa là dự trữ lương thực, màu đông chất đầy kho chứa là để phòng thủ vững chắc.
Tổ chức hàng ngũ ở ruộng vườn là tín hiệu gắn bó. Trong làng có viên chức, trong quan có hàng tướng soái. Quanh làng có tường ngăn cách là phân chia đội ngũ. Thu thóc, lấy cỏ làm kho chứa. Xuân thu hai mùa sửa sang thành quách, tu chỉnh mương rạch để đắp chiến lũy.
Cho nên vật dụng dùng vào việc binh là đều ở công việc của con người. Biết chọn những công việc đó là người giỏi trị nước, nên phải khéo dùng các loại gia súc, khai khẩn đất đai, ổn định nhà cửa, đàn ông làm ruộng, đàn bà dệt vải. Đấy là đạo khiến cho nước nhà yên mạnh”.
Võ Vương nói: “Thật là hay vậy”.

(Xem các quyển còn lại phía dưới): 

Văn Thao (文韬): Dụng nhân – Trị quốc

Võ Thao (武韬): Dụng binh

Hổ Thao (虎韬): Quân hình – Khí tài.

Báo Thao (豹韬): Chiến thuật.

Khuyển Thao (犬韬): Luyện sĩ) 

Người sưu tầm - Trình bày: Phan Thành Hiếu

Tin liên quan
    Copyright © 2024 CỬA HÀNG THỰC PHẨM LÊ VĂN SỸ. All rights reserved. Web design NiNa Co.,Ltd
    Online: 1   |   Tháng: 887  |   Tổng: 96581
    Hotline tư vấn miễn phí: 0909 399 480
    Zalo

    Gạo ST25

    Gạo sóc trăng ST25

    Gạo ST25 ngon nhất thế giới